Sởi là một bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng mở rộng, bệnh phổ biến ở trẻ em. Sởi cũng là một bệnh lưu hành địa phương, nhất là trong cộng đồng dân cư đô thị và là một bệnh xảy ra dịch có tính chu kỳ. Bệnh sởi xảy ra cũng có tính theo mùa, ở vùng khí hậu ôn đới, bệnh sởi xuất hiện nhiều vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Ở vùng nhiệt đới, bệnh xảy ra nhiều hơn vào mùa khô. Sởi là bệnh do vi rút Sởi gây nên, bệnh Sởi hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên đã có vắc xin phòng bệnh, đây là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất.

Hiệu quả của vắc xin Sởi

Ra đời vào những năm 1960, vắc xin sởi là sinh phẩm y tế có tính kháng nguyên, cung cấp khả năng phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ em và người lớn. Vắc xin sởi được nghiên cứu và điều chế thông qua các thành phần kháng nguyên của virus sởi còn sống, bị giảm độc lực, không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn đảm bảo khả năng gây miễn dịch khi tiêm. Sau khi tiêm một liều vắc xin sởi, 85% trẻ 9 tháng tuổi và 95% trẻ trên 12 tháng tuổi sẽ hình thành kháng thể bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi trong tương lai, khả năng bảo vệ này có thể được kéo dài suốt đời, đây được coi là một thành tựu xuất sắc của khoa học y học, đồng thời là một công cụ chiến lược giúp ngăn chặn sự lây lan của một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất lịch sử loài người, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TMCR) ở nước ta hiện nay và nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới, vắc xin sởi là một trong những loại vắc xin bắt buộc phải tiêm cho trẻ nhằm giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi ở trẻ em, tạo điều kiện cho hàng triệu trẻ em có thể trưởng thành khỏe mạnh.

“Khoảng trống miễn dịch” bệnh Sởi trong cộng đồng

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cần duy trì tỷ lệ bao phủ vắc xin trên 95% trong cộng đồng, bệnh sởi mới có thể kiểm soát và không gây nguy hiểm.
Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh Sởi có nguy cơ bùng phát dịch sởi theo chu kỳ xuất phát từ “khoảng trống miễn dịch” do trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, trong những năm gần đây do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và gián đoạn cung ứng vắc xin đã gây ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ tiêm chủng nói chung và tiêm vắc xin Sởi ở trẻ nói riêng. Theo thống kê của Bộ Y tế, hầu hết tỷ lệ tiêm các loại vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024 chưa đạt tiến độ, đặc biệt, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, nhiều trẻ vẫn chưa được chủng ngừa đủ mũi, đúng lịch, làm nguy cơ bùng phát dịch sởi tăng cao; thống kê cho thấy, trong năm 2024, nước ta đã ghi nhận 45.554 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 7.583 trường hợp dương tính và 16 ca tử vong liên quan đến sởi.

Các chuyên gia y tế cho rằng, khi vắc xin Sởi chưa đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, virus Sởi chủ yếu tấn công vào nhóm trẻ chưa được chủng ngừa vắc xin hoặc đã tiêm phòng nhưng không đủ liều, từ đó lây lan cho các nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém khác và tăng khả năng lây lan gây bùng phát dịch. Theo đó các chuyên gia cũng cảnh báo rằng dịch sởi có khả năng bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần khi “Khoảng trống miễn dịch” càng lớn, lý do nếu mỗi năm tiêm sót vắc xin sởi cho một tỷ lệ trẻ thì một, hai năm sau, những trẻ này vẫn được những đứa trẻ đã chủng ngừa khác bảo vệ. Tuy nhiên, nếu cứ mỗi năm tiêm sót một tỷ lệ nhất định thì 4-5 năm sau, số trẻ chưa được chủng ngừa nhân lên gấp 4-5 lần, lúc này cộng đồng xung quanh không thể bảo vệ hết được, các ca nhiễm bệnh trong cộng đồng bắt đầu tăng cao. Đó là nguyên nhân tại sao cứ chu kỳ 4-5 năm, bệnh sởi sẽ bùng phát một lần.

Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sởi

Hiện nay, tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất, theo đó các biện pháp dự phòng cần giáo dục sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với các bà mẹ có con dưới 2 tuổi cần biết những thông tin cần thiết về bệnh sởi để thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Ths. Bùi Thị Long Cảnh